Bánh Mỳ Việt Đang Ở Đâu?

Từ khóa “bánh mì kẹp thịt Việt Nam” sẽ đưa cho bạn gần 1 triệu kết quả trong 0.7 giây. Đã có quá nhiều bài viết hay về món ăn này. Nhưng nhân một buổi sáng tấp vội lề đường mua ổ bánh mì thịt nướng 15.000 đồng để nói một chút về bánh mì Việt Nam, chắc cũng “hợp không khí”.

xe-banh-mi

Bánh mì Việt của tôi (Ảnh: Jamja.vn)

Cú va chạm của 2 nền ẩm thực

Nghe hơi to tát, nhưng thực tế là vậy. Từ giữa thập niên 50 của thế kỉ 19, những chiếc bánh mì của Pháp với tên gọi cực Tây là baguette bắt đầu có mặt tại Sài Gòn. Từ những ổ bánh dài ngang cánh tay, bánh mì bắt đầu ngắn lại chỉ còn độ hơn một gang. Từ những chiếc bánh vỏ hơi cứng, ruột rỗng đã biến hóa thành lớp vỏ giòn rụm và ruột thì bông, xốp, mềm. Cú “hick” ngoạn mục nhất có lẽ là vào khoảng 100 năm sau, tức khoảng năm 1959. Lúc đó, bánh mì không còn ăn theo kiểu Tây vội vã bằng cách quét bơ hay chấm sữa nữa. Người ta đã tiện lợi hóa nó bằng cách phết bơ vào ruột bánh và kẹp vào đó những miếng thịt nguội.

Bánh mì kẹp thịt ra đời từ đó

Lạc trôi về quá khứ hơi xa, chúng ta hãy cùng quay lại câu chuyện “cú va chạm”. Các trang ẩm thực lớn khi viết về bánh mì Việt Nam thường dùng cách gọi như thế. Ta chấp nhận nguồn gốc bánh mì Việt Nam là từ phương Tây mà cụ thể là baguette. Ta cũng thấy hơi hướng của bơ, của phô mai, xúc xích, thịt nguội ẩn nấp trong những ổ bánh mì. Nhưng công bằng mà nói, cách làm ngắn chúng lại, cách cho thức ăn vào ruột làm nhân bánh mì Việt Nam, cách mà chúng ta tạo ra hàng chục, thậm chí hàng trăm loại nước xốt khác nhau để rưới vào… thì đó là “màu” được tạo nên bởi người Việt, là “màu” của ẩm thực Việt.

banh-mi-qua-cac-dong-su-kien

Bánh mì qua các dòng sự kiện (Ảnh: Kênh 14)

Bánh mì Việt Nam trong mắt thực khách quốc tế

Nếu ai đó hỏi: Ẩm thực đường phố Việt Nam nhiều món gì nhất? Đừng ngại trả lời là bánh mì. Tôi thấy chẳng trật đi đâu. Đầu những con hẻm, ở trên những đường phố lớn tập nập xe qua lại, trong bến xe ngược xuôi, trước cổng trường học, công ty… Một chiếc xe đẩy hay một chiếc tủ kính nhỏ cũng đủ trở thành mối sinh nhai. Có lẽ vì đã quen như thế nên ít ai nghĩ đến bánh mì kẹp trong những bữa tiệc. Chúng ta nghĩ nó là một món ăn bình dân nhiều hơn. Một bữa sáng vội vàng, một bữa trưa vội vàng, một bữa tối vội vàng hay một bữa khuya lót bụng nhẹ nhàng.

Vậy mà, bánh mì cũng nhẹ nhàng như thế mà vươn ra thế giới. Mà cái sự ghi nhận đáng nhớ không hẳn là xuất hiện ở nhiều quốc gia mà là ở chỗ, nó sừng sững đứng một vị trí riêng trong từ điển Oxford. Thế giới gọi bánh mì là “Banh mi” chứ không phải là Vietnamese baguette. Nếu xét như thế thì giá trị của món ăn này có thể sánh ngang với “Ao dai”, với “Pho” – 3 từ tiếng Việt nằm trên Oxford, 3 sản vật quý giá của văn hóa Việt Nam được thế giới đón nhận và công nhận.

banh-mi-viet

Bánh mì Việt tại cửa hàng Bun mee (Ảnh: Haute living)

Tôi thì chưa có dịp ghé và thưởng thức bánh mì Việt trên đất bạn. Tôi chỉ được nhìn thấy và đọc tin tức về những Bun mee, Banh mi My Tho ở Mỹ, về Kêu, Banh Mi Bay, Banhmi111 ở Anh. Sau này còn nghe tập đoàn sở hữu KFC và Pizza Hut cũng mở một tiệm bánh mì ở Texas với cái tên “va chạm giữa 2 nền văn hóa” hết sức là Banh shop. Ở Maylasia, Thái Lan… những đất nước gần chúng ta đến thế cũng có nhiều hàng bánh mì khiến dân tình thổn thức. Hàng loạt kênh truyền thông và người nổi tiếng thế giới cũng dùng thử và đưa ra cảm nhận khiến người Việt Nam chúng ta hết sức “mát ruột”: Bánh mì Việt Nam nổi tiếng thế giới hay bánh mì Việt Nam ngon nhất thế giới!

Thì ra, món ăn của chúng ta đã đi xa đến thế, đã được yêu nhiều đến như thế!

Trong mềm ngoài rắn, linh hoạt và thống nhất

Đọc những tin tức này, tôi thấy trỗi lên trong mình một cảm giác vui sướng. Áo dài thì đẹp, song mấy ai được mặc? Phở thì tinh túy, nhưng mấy chỗ nấu đúng vị đúng hương? Bánh mì thì khác. Mỗi nơi một kiểu, mỗi người một sở thích. Nhưng cái kiểu ăn kẹp thịt, tưới nước xốt, kẹp thêm dưa chua và gói đi thì đích thị là món ăn Việt Nam. Và cái món ấy thì ai cũng có thể thưởng thức được một cách rất dễ dàng.

Bảo hãy kể ra tiêu chuẩn Việt Nam về bánh mì thì khó lắm. Bánh mì nhân thịt cũng là bánh mì, mà bánh mì phết ít bơ rồi trải lên đó chút chà bông cũng là bánh mì. Có lẽ vì cái tính “dễ chiều” đó mà bánh mì đi được nhiều nơi, hợp tính nhiều người.

xe-banh-mi

Hình ảnh thân thương về những xe bánh mì trên chính quê hương của nó (Ảnh: Internet)

Dẫu vậy, một ổ bánh mì ngon trọn vẹn trước hết phải có vỏ vàng, giòn giã, cắn miếng đầu nghe tiếng bánh vỡ vụn, lạo xạo trong miệng, vụn rơi rơi. Ruột bánh bên trong trắng tinh, thơm, mềm mại, lắm khi thèm thèm chỉ cần tách lớp ruột bánh chấm nước tương cũng đã thấy ngon lắm rồi. Đó là tính ngoài rắn mà trong mềm.

Còn nhân để nhồi bánh mì thì nhiều vô kể. Có khi ngẫu hứng như mấy cô bán lề đường, cũng có khi là công thức gia truyền như những cửa hàng lớn. Riêng tôi thì cứ ấn tượng nhất với ổ bánh xíu mại. Miếng xíu mại ngon ngọt, mặn mà thấm đều vị giác, thêm nước xốt đỏ sóng sánh ươn ướt bên trong ngon khó cưỡng. Ngay cả chút dưa chua mà ăn với bánh mì tôi cũng thấy ngon hơn hẳn so với việc ăn dưa chua với những món khác.

Các bạn đầu bếp trẻ và cả những ai yêu thích ẩm thực nữa, đôi khi muốn nấu ngon, chúng ta phải yêu nó trước đã. Vài ba dòng tản mạn cùng các bạn về ổ bánh mì Việt hy vọng sẽ gieo một chút niềm cảm hứng nào đó để tất cả chúng ta cùng yêu hơn ẩm thực nước mình. Đơn giản thế thôi nhưng bền bỉ và mạnh mẽ lắm đấy!

BÌNH LUẬN CỦA BẠN